Pages

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

6 nguyên tắc giúp bạn vững bước trên con đường sự nghiệp

Làm thế nào để phát triển sự nghiệp một cách vững chắc giữa hàng trăm, hàng ngàn nhân tố cạnh tranh khốc liệt?

 
 
1. Hãy là người chủ động kết nối trong sự nghiệp

Một ngày nọ, trong khi đang đi tàu điện ngầm xuống Toronto, tôi bắt gặp hai thanh niên đang trò chuyện cùng nhau. Đến giữa câu chuyện, họ bắt đầu nói về công việc bán thời gian. Một trong hai người mô tả về công việc của anh ta và ngay lập tức nhận được câu hỏi từ người kia rằng: “Làm sao anh có thể có được công việc ấy?”. Và câu trả lời chính là: “Anh có biết vì sao không? Đó là anh phải kết nối để có được công việc”. Câu nói đơn giản ấy đã tác động đến tôi một cách mạnh mẽ. Tôi chẳng tin nổi khi những câu từ khôn ngoan ấy có thể xuất phát từ một anh chàng trông có vẻ cổ điển, vô tư lự như thế. Nhưng dù sao thì câu nói ấy cũng đã trở thành một nguyên tắc cơ bản trong việc thăng tiến và cho lời khuyên trong sự nghiệp của tôi.

Sự kết nối được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là một email thật nhanh, gần gũi và chân thành, gửi đến cho một anh bạn đồng nghiệp, một người quản lý cấp trên hay một người bạn mới. Cà phê, ăn trưa hay một lời mời kết bạn trên Linkedin với một nhà tuyển dụng. Cũng có thể là tham sự một sự kiện nào đó nhằm kiến tạo những mối quan hệ với những người đang nắm giữ một vai trò nhất định (ví dụ như các hội nghị chuyên đề về sự kết nối cho các nhà quản lý dự án).

Cá nhân tôi cũng đã áp dụng hết những phương thức trên để có thể mở rộng mối quan hệ của mình. Kết quả thành công trong công việc của tôi thường lên đến 95% (5% còn lại theo tôi là nằm ở may mắn). Cuộc phỏng vấn gần đây nhất với một nhà bán lẻ uy tín ở Canada đến với tôi là nhờ vào một nhà tuyển dụng trên LinkedIn, một người thực ra không hề liên quan gì đến lĩnh vực mà tôi đang hướng đến. Tuy nhiên, anh ta đã đánh giá cao những đoạn tin nhắn và nỗ lực của tôi. Anh ấy đề nghị tôi hãy gửi CV của mình cho anh ấy và anh sẽ chuyển nó đến những nhà tuyển dụng khác để tìm giúp tôi một vị trí phù hợp nhất.

Tôi đã trở thành ứng cử viên duy nhất được chọn, phần lớn là nhờ vào những sự kiện, những sự kết nối liên quan tới vị trí ấy. Tôi đã chủ động trò chuyện với các nhà quản lý cấp cao trong công ty, trao đổi danh thiếp, gửi lời mời kết bạn trên LinkedIn và email mời họ theo dõi những thành quả nhằm xây dựng và củng cố hình ảnh của tôi trong mắt những nhà tuyển dụng. Tôi thường liệt kê những cái tên nổi tiếng trong ngành mà tôi đã quen biết và nhận xét của họ vào phía cuối các thư xin việc (cover letter). Gần 1 năm sau, tôi đã rèn luyện được kỹ năng kết nối và sự bền bỉ trong các mối quan hệ, và chính điều này đã góp phần rất lớn trong việc đưa tôi đến công việc mơ ước (Dream Job) của mình.

Sau đây là những nguyên tắc mà tôi áp dụng để tạo nên những mối quan hệ mới:

- Gặp gỡ mọi người

- Gửi email cảm ơn hoặc thăm hỏi thường xuyên

- Mời kết nối trên Linkedln

- Giữ liên lạc với người đó, có thể là hàng tháng, hằng quý hoặc nửa năm

2. Lúc nào cũng phải đẹp trai

Darlene Price, Chủ tịch tập đoàn Well Said, tác giả của quyển sách Well Said! Presentations and Conversations that get Results đã từng nói: “Có một sự thật rất rõ ràng: bạn là người như thế nào hay giá trị của con người bạn như thế nào không được quyết định bởi việc bạn mặc gì trên người. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, trong xã hội ngày nay, dù muốn dù không, mọi người vẫn sẽ đánh giá bạn qua vẻ bề ngoài, dĩ nhiên là tính luôn việc bạn đang mặc gì trên người.”

Đặc biệt là ở nơi làm việc, phục trang đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn bạn và tương tác với bạn. Nhưng việc ăn mặc đẹp và trông thanh lịch không đồng nghĩa với việc bạn phải tiêu hàng đống tiền vào việc mua sắm quần áo.

Theo một nghiên cứu tại trường Kellogg, thuộc Đại học Northwestern, vẻ bề ngoài đẹp đẽ cũng sẽ giúp bạn cải thiện sự tự tin của mình. Khi bạn trông có vẻ chuyên nghiệp, gọn gàng và thanh lịch, những người đồng nghiệp sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với bạn. Chắc chắn rằng bạn cũng sẽ nhận được những lời khen về phong cách ăn mặc của mình, điều mà chắc chắn sẽ làm bạn cảm thấy tự tin hơn. Cuối cùng, sự kết hợp hoàn hảo của việc ăn mặc đẹp và cảm xúc tuyệt vời sẽ luôn khiến bạn tin rằng “Mình có thể làm được” trong tất cả mọi việc. Cũng từ đó, bạn sẽ tự tin hơn trong việc theo đuổi những mục tiêu và hoài bão trên con đường sự nghiệp của mình.

3. Dành thời gian để lên kế hoạch

Hãy suy nghĩ về kế hoạch sự nghiệp của mình - nó đòi hỏi sự tận tâm, quyết đoán và chính xác để có thể mang lại kết quả cao nhất. Dành thời gian để nghĩ về những mục tiêu ngắn hạn (trong vòng 2 - 5 năm), những mục tiêu dài hạn (trong vòng 5 - 10 năm) và làm thế nào để bạn đạt được chúng.

Một khi bạn đã có được cho mình những mục tiêu sự nghiệp ngắn hạn và dài hạn trên giấy, cũng như đã tìm ra được những phương thức phù hợp, hãy bắt đầu tìm kiếm, tự tạo ra cho mình những cuộc gặp mặt, trò chuyện cần thiết để đạt được chúng. Đó có thể là một cuộc gặp gỡ với quản lý để thảo luận về những gì bạn muốn đạt được ở vị trí hiện tại, hoặc mục tiêu của bạn mong muốn đạt được trong 1 - 2 năm tới và họ có thể làm được gì để hỗ trợ bạn trong việc tiến tới mục tiêu của mình. Đây cũng là một cách rất tốt để xây dựng mối quan hệ và tạo kết nối với người quản lý; và chắc chắn họ sẽ chú ý đến hoài bão và sự tận tâm của bạn.

Bẹnamin Franklin đã từng nói: “Nếu bạn thất bại trong việc lên kế hoạch, đồng nghĩa với việc bạn đang lên kế hoạch để thất bại”

4. Học thêm ngoại ngữ

Đã bao nhiêu lần khuôn mặt bạn đang rạng rỡ khi tìm hiểu công việc tuyệt vời thì nụ cuời bỗng dưng tắt lịm khi nhìn thấy dòng chữ “Cần ít nhất hai ngoại ngữ (trở lên)”? Tôi đã thấy điều này xảy ra với rất nhiều người xung quanh mình rồi.

Sự thật là biết thêm ngoại ngữ khác sẽ là một phương tiện tuyệt vời để bắt đầu những cuộc giao tiếp, gặp gỡ mọi người và sẽ là một kỹ năng giúp bạn tự động mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm trên con đường sự nghiệp của mình.

Hãy lấy việc học thêm tiếng Tây Ban Nha làm ví dụ. Nếu bạn đã nói được tiếng Anh và đang tiếp tục học để nói tiếng Tây Ban Nha, bạn đã và đang mở rộng cơ hội ứng tuyển việc làm ra rất nhiều nước như, bao gồm và không giới hạn: Mỹ, Canada, Anh, Tây Ban Nha, Venezuela, Comlombia, El Salvador, Ecuador, Costa Rica…

Thành thạo ngoại ngữ cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho bạn trên con đường trở thành một chuyên gia (SME). Vì nhờ ngoại ngữ mà bạn có thể đọc và nghiên cứu được nhiều tài liệu, xem và nghe được nhiều video bằng tiếng nước ngoài. Thành thạo ngoại ngữ cũng sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn trong công việc của mình, ví dụ bạn có thể là một lựa chọn hoàn hảo cho công ty trong vấn đề phiên dịch, khi xung quanh bạn chẳng có ai có thể đáp ứng được. Hoặc có một lần, công ty tôi cần một ai đó để đi công tác từ Toronto đến Momtreal và cần một người có khả năng nói được tiếng Pháp để hổ trợ cho sự kiện này. Nhờ vào vốn tiếng Pháp thành thạo, nếu có mặt ở đó, tôi hẳn đã dành được chiếc vé đi công tác trong một tuần và có cơ hội thăm quan đất nước xinh đẹp ấy rồi.

5. Luôn xin phản hồi từ nhiều phía

Xin phản hồi từ người khác, cho dù chính thức hay không chính thức, cũng sẽ tạo điều kiện giúp bạn hiểu rõ được những ưu điểm và nhược điểm của chính mình, đồng thời sẽ hướng bạn đi đúng hướng và rõ ràng hơn trong kế hoạch sự nghiệp hay trở thành một chuyên gia theo đúng cách bạn muốn.

Cách xin phản hồi chính thức, đó có thể là một buổi cà phê hoặc hẹn gặp ăn trưa với người đồng nghiệp gần với bạn hoặc một người mà bạn có thể tin tưởng – thường là nhà quản lý trực tiếp trong công việc của bạn. Việc xin phản hồi này cũng có thể được thực hiện trong các buổi đánh giá năng lực (Peromance Review) nửa năm hoặc một năm một lần với người quản lý trực tiếp của bạn.

Với cá nhân tôi, tôi thích việc xin phản hồi theo một cách xã giao thoải mái và tự nhiên hơn. Sau khi hoàn thành một công việc hoặc một dự án, tôi thường hay hỏi những người đồng nghiệp làm chung góc nhìn, quan điểm của họ về tôi. Những chia sẻ và suy nghĩ của họ cũng sẽ phản ánh phần nào cách nhà quản lý nghĩ gì về bạn.

Xin phản hồi sẽ giúp bạn thể hiện được sự cầu tiến, mong muốn phát triển bản thân trong công việc của mình, gây ấn tượng tốt với đồng nghiệp và người quản lý trực tiếp. Đồng thời, việc xin phản hồi cũng sẽ là phương tiện giúp bạn tạo nên sự khác biệt và đứng ra khỏi đám đông.

6. Tìm một người cố vấn phù hợp

Đây là một trong những giải pháp thường bị bỏ qua nhất trong việc phát triển sự nghiệp của mỗi người. Tìm một cố vấn, người có chung sở thích, con đường sự nghiệp với bạn để cả hai có thể cùng nhau chia sẻ. Cố vấn vốn là một người có một bề dày kinh nghiệm trong một lĩnh vực hay một ngành nghề nhất định sẽ giúp bạn tiến nhanh hơn trên con đường mình đang đi.

Cố vấn sẽ cho bạn những lời khuyên và là người bạn có thể tin tưởng để hỏi mọi thứ liên quan đến công việc, sự nghiệp của mình. Một người cố vấn sẽ đưa ra cho bạn những kinh nghiệm “không phải dạng vừa đâu” và những sự thật đôi lúc chưa được kiểm chứng về việc làm thế nào để tiến thân trong sự nghiệp, bởi họ vốn đã là những người gạo cội, từng dấn thân và trải nghiệm qua trong một khoảng thời gian dài nhất định. Người cố vấn cũng sẽ giúp bạn mở rộng các mối quan hệ và kết nối bạn với những người có thể đưa bạn những cơ hội để nắm bắt.

Khi họ hiểu được bạn ở cả hai khía cạnh, cá nhân và công việc, họ sẽ có những ý tưởng, góc nhìn đáng giá nhằm giúp bạn tỏa sáng hơn trong công việc và nếu biết một vị trí nào đó phù hợp với bạn hiện tại, họ sẽ là người đầu tiên đem thông tin đó đến cho bạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét