Việc cho con nhỏ xem các video trên Youtube là hành động thường gặp hiện nay ở nhiều gia đình. Thế nhưng, việc giao con chủ động hoàn toàn trong việc lựa chọn các video để xem trên nền tảng này lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro khi xen lẫn trong đó có rất nhiều các clip không phù hợp. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp các bậc phụ huynh kiểm soát tốt hơn những gì con đang xem trên Youtube.

Tính tới thời điểm này, nhiều bậc phụ huynh đã tự đặt câu hỏi liệu rằng Youtube Kids, một nền tảng nội dung dành riêng cho trẻ em có an toàn như họ quảng cáo. Khi trên thực tế, nền tảng này vẫn chứa những video có nội dung được cho là không phù hợp với trẻ em. Mà điển hình gần đây đó chính là vụ việc liên quan tới hình tượng Momo quái dị. Thông qua các đoạn video khi chúng “dụ dỗ” trẻ em thực hiện những lời chỉ báo nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng. 
Mặc dù hình tượng MoMo đã bị "khai tử" nhưng không ai dám chắc rằng sẽ không có Momo thứ hai xuất hiện. Trước đó, kênh video dành cho trẻ em này cũng từng bị chỉ trích từ phía người dùng khi để “lọt lưới” nhiều video có nội dung phản cảm lồng ghép trong các đoạn clip hoạt hình, hay các clip hóa trang thành các nhân vật hoạt hình nổi tiếng. Các nội dung phản cảm này không chỉ liên quan tới tình ái, bạo lực mà còn ẩn chứa các nội dung khác liên quan tới việc sử dụng các chất cấm, chất gây nghiện…
Về phía kênh video này, đại diện của công ty cho biết việc mình dựa vào người dùng và công nghệ nhận diện thông minh để thông báo các video vi phạm cho kiểm duyệt viên. Đồng thời, họ cũng nói rằng công ty luôn nỗ lực để cải thiện hệ thống, xóa bỏ những nội dung độc hại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trước khi “mất bò mới lo làm chuồng”, nhiều bậc phụ huynh cũng đã có những cách riêng để bảo vệ con trước những nội dung video xấu.
Đầu tiên đó chính là việc cùng con xem các video trên Youtube. Bởi trên thực tế, rất khó để phân biệt video nào là an toàn cho trẻ em và những video nào không phù hợp. Bởi “vàng thau lẫn lộn”, những video có nội dung không phù hợp vẫn trà trộn với video giải trí bình thường. Chúng cũng là các clip về các nhân vật hoạt hình, đồ chơi yêu thích và thậm chí chúng có tên, mô tả, hình ảnh đại diện và tên kênh có vẻ khá thân thiện với trẻ em.

Thứ hai, với những trẻ lớn hơn, các bậc cha mẹ nên hạn chế thời gian sử dụng và những nội dung trẻ có thể tiếp cận. Bên cạnh đó, việc dạy cho trẻ cách phân biệt những nội dung chính thống và những nội dung nào không nên xem, tại sao lại vậy cũng là một trong các cách tốt để trẻ tự bảo vệ chính mình.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ có thể tự mình “dọn dẹp” các nội dung mà con xem trên Youtube bằng các biện pháp sau:
Cài đặt chế độ lọc nội dung: Theo google, chế độ này sẽ giúp bạn và gia đình trải nghiệm xem Youtube an toàn và thỏa mái hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, chế độ hạn chế này đã "nghiêm túc" quá mức, khiến nó chặn luôn nhiều nội dung không đáng chặn.
Vô hiệu hoá tính năng gợi ý các video: Chính google cũng đã đưa ra cảnh báo rằng với chuỗi đề xuất vô cùng tận dựa trên nhưng gì đã xem, đôi khi con bạn có thể tìm thấy những nội dung trên Youtube mà “bạn không muốn chúng thấy”.
Tắt tính năng tìm kiếm: Với những trẻ lớn hơn, khi tắt tính năng tìm kiếm, bạn sẽ tìm các video cho con xem. Với cách này, bạn sẽ tránh được tình huống phải "lăn tăn" khi con cái muốn sử dụng Google và Youtube để tìm kiếm thông tin chúng cần.
st