Pages

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

Sáng nay khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN


Các lãnh đạo trong khu vực sẽ nêu những lựa chọn cho ASEAN trong thời kỳ có nhiều đột phá về công nghệ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, sáng nay (12/9), phiên khai mạc toàn thể sẽ diễn ra với chủ đề “Các ưu tiên của Đông Nam Á trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp Lần thứ 4”. Tại đây, các lãnh đạo trong khu vực sẽ thiết lập nền tảng cho diễn đàn, khi nêu ra những lo ngại và lựa chọn trong thời kỳ có nhiều đột phá về công nghệ.


Lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN, gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia - Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia - Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào - Thongloun Sisoulith, Cố vấn nhà nước Myanmar - Daw Aung San Suu Kyi, Phó thủ tướng Thái Lan - Prajin Juntong cùng Chủ tịch WEF - Klaus Schwab và Phó thủ tướng Trung Quốc - Hồ Xuân Hoa sẽ tham gia phiên khai mạc.

WEF ASEAN năm nay được tổ chức trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên 4.0. Với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 11/9 đến 13/9 tại Hà Nội. Sáng 11/9, trong buổi tiếp kiến của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh với Ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đại diện WEF cho biết sẽ mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, sau khi đã làm tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Singapore.

Diễn đàn tập trung 5 nội dung chính: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; Tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; Tìm kiếm các động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại công nghiệp 4.0; Doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0.

WEF ASEAN năm nay có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia. Họ sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài các hoạt động chính của WEF, một số sự kiện bên lề cũng sẽ được tổ chức, nhằm quảng bá về Việt Nam cũng như tạo cơ hội kết nối cho doanh nghiệp. Đó là tiệc chiêu đãi chào mừng đại biểu WEF ASEAN, Dạ hội quảng bá văn hóa Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam và Tham quan vịnh Hạ Long.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét