Thách thức của cuộc cách mạng 4.0 này đến các ngành có
liên quan đến du lịch là không thể chối cãi. Từ những tên tuổi như Uber hay
Grab trong ngành vận tải hay Airbnb hay Kayak trong ngành khách sạn đã làm thay
đổi du lịch truyền thống.
Theo ông Ira Wolfe,
chủ tịch công ty Success Peformance Solutions, một chuyên gia về các xu hướng của
nguồn lao động ước tính có đến 50% ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng trong vòng 20 năm
tới. Danh sách các ngành nghề có nguy cơ biến mất phải kể đến các công ty du lịch
truyền thống. Ngày càng có nhiều khách muốn đặt dịch vụ trực tiếp với các trang
web cung cấp dịch vụ chuyên biệt. Với chiếc máy tính hay điện thoại di động có
nối mạng, khách có thể tìm các câu trả lời về dịch vụ thỏa đáng, phù hợp và đặc
biệt đi kèm là chi phí thấp hơn.
Trong những năm gần đây, loại hình du lịch MICE, viết tắt
của bốn từ tiếng Anh: Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội
thảo) và Event (sự kiện), có những bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam bởi Việt
Nam được đánh giá là điểm đến mới, thu hút khách, an toàn và cũng là điểm đầu
tư hấp dẫn.
Là một công ty chuyên về mảng du lịch M.I.C.E, ông Lưu
Đình Thịnh - giám đốc điều hành công ty du lịch Global Holiday Tour (GHT) bộc bạch:
“Là đơn vị du lịch tiên phong nhượng quyền thương hiệu trong kinh doanh lữ hành
quốc tế, gần đây khi đi họp với hơn 650 công ty du lịch đến từ hơn 85 quốc gia
thành viên của Lufthansa City Center, các đồng nghiệp luôn lo lắng về cuộc cách
mạng công nghệ có thể đẩy nhiều loại hình dịch vụ phải đóng cửa”.
Hướng đi của công ty GHT hiện nay là phải áp dụng công
nghệ mới vào các chương trình du lịch cho khách, đặc biệt là những đoàn đông từ
200-500 khách. Là đơn vị tiên phong sử dụng máy tính bảng có định vị GPS cho
các trò chơi team building từ năm 2014, hiện nay công ty còn có các phần mềm viết
riêng cho các sự kiện lớn từ 500 khách trở lên để có thể quản lý, chăm sóc
khách bằng mã vạch.
Công ty luôn ưu tiên nâng cấp các thiết bị hiện đại nhất
nhằm đuổi kịp đà phát triển như vũ bão của công nghệ như máy tạo bọt tuyết,
camera quay phim thế hệ mới, màn hình led kích thước lớn với nhiều ứng dụng
công nghệ mới… cho các sự kiện quy mô lớn. Công nghệ thực tế ảo giúp khách hàng
có thể “nhìn” thấy được toàn bộ sự kiện trên máy tính và có thể thay đổi khi cần
thiết mà không cần phải chịu nhiều rủi ro như trước đây.
Do phần lớn khách hàng của công ty là các doanh nghiệp, tập
đoàn lớn, các công ty đa quốc gia… nên hướng vươn đến tiếp theo là có thể phủ
sóng wifi 24h miễn phí cho tất cả tour của GHT dù khách đang ở nóc nhà Tây Tạng,
thảo nguyên Mông Cổ hay đang trong các vườn quốc gia Châu Phi xa xôi. Bằng cách
này, giới doanh nhân đi đến những nơi được xem như chân trời hay góc bể vẫn nắm
được tình hình doanh nghiệp, công việc ở nhà.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế
Bình nhấn mạnh Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của thương mại
điện tử trong đó có lĩnh vực du lịch, hướng tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho
khách hàng một cách thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất. Đó chính là biểu hiện rõ
rệt nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đang phát triển kinh tế mạnh
mẽ và rõ ràng không thể đứng ngoài cuộc.
Tóm lại, giống như các cuộc cách mạng trước đó, cách mạng
công nghiệp 4.0 giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của con người trên
hành tinh xanh. Người tiêu dùng nói chung, doanh nghiệp hay du khách nói riêng
sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cách mạng công nghệ. Tất nhiên có những mặt
hạn chế nhưng cuộc cách mạng lần này giúp thúc đẩy du lịch và kinh tế toàn thế
giới phát triển lên tầm cao mới là điều không cần bàn cãi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét